QUẢNG NAMĐể trả lời câu hỏi trùng tu Chùa Cầu theo phương án hạ giải (toàn bộ) hay từng phần, TP Hội An đã mất hơn 10 năm với nhiều hội thảo lấy ý kiến.
Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) được thương nhân Nhật Bản xây dựng từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Công trình bắc qua con lạch trong phố cổ Hội An, đảm nhiệm ba chức năng chính là cầu kết nối hai khu phố người Nhật và Hoa; nơi thực hành tín ngưỡng (thờ thần hộ mệnh Bắc Đế Trấn Vũ, vị thần lớn của Đạo giáo bảo vệ người dân khỏi tai ương) và nơi nghỉ ngơi vãn cảnh.
Sau hơn 400 năm, Chùa Cầu đã trải qua 7 lần trùng tu, lần gần nhất năm 1986. Đến những năm 2010, móng cầu bị lún, nứt; chùa và cầu tách rời; kèo cột mối mọt, mục nát có nguy cơ đổ sập. Trong khi đó mỗi ngày cầu phải gánh hàng nghìn người dân và du khách qua lại. Chính quyền TP Hội An từng phải dùng gỗ chống đỡ, dây cáp níu giữ các bộ phận của công trình.
Để cứu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Chùa Cầu, sau rất nhiều thủ tục xin phép, chính quyền TP Hội An quyết định trùng tu toàn diện. Ngày 3/8, công trình sẽ khánh thành sau 19 tháng thi công. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An, nói để có được Chùa Cầu như hôm nay, thành phố đã đối mặt với rất nhiều thách thức, áp lực.
Trùng tu hạ giải hay từng phần
Ông Sơn kể việc trùng tu Chùa Cầu được đặt ra từ năm 2010. Có hai phương án, một là trùng tu từng phần, tức tháo dỡ, sửa chữa một số bộ phận hư hỏng như từng thực hiện ở 7 lần trước. Hai là trùng tu hạ giải, tức tháo dỡ toàn bộ cấu kiện của di tích, sau đó tu bổ, gia cố và gắn về vị trí cũ. Quy trình hạ giải đòi hỏi nghiêm ngặt, bao gồm chụp ảnh, ghi hình, đánh dấu các chi tiết, bộ phận trước khi tháo dỡ. Trong và sau hạ giải, các chi tiết, cấu kiện phải được bảo vệ an toàn.
Cả hai phương án đều có ưu – nhược riêng. Lãnh đạo TP Hội An cũng như các chuyên gia lo lắng nếu trùng tu hạ giải, di tích hơn 400 tuổi nguy cơ thành 1 tuổi. Lý do thời điểm năm 2010, Việt Nam chưa tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến của Nhật Bản và châu Âu trong trùng tu, khi tháo dỡ toàn bộ công trình để sửa chữa khó lắp dựng lại như cũ. Thành phố phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến chuyên để lựa chọn phương án, nhưng đều bế tắc.
Năm 2016, Chùa Cầu đối diện nguy cơ sụp đổ, lãnh đạo TP Hội An lại tổ chức hội thảo với sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước. Nhiều chuyên gia đầu ngành trong trùng tu di tích của Việt Nam và Nhật Bản được mời đến “bắt bệnh” cho Chùa Cầu.
Sau khi khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia thống nhất muốn giải quyết dứt điểm “các bệnh” của Chùa Cầu chỉ có thể là trùng tu hạ giải. Phương án này giúp công trình “sống khỏe” trong vài chục năm tới. Nếu tu bổ từng phần thì chỉ giải quyết được một vài phần, sau đó di tích tiếp tục hư hỏng.
Chính quyền TP Hội An sau đó xúc tiến trình phương án trùng tu hạ giải lên UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và từng bước hoàn thiện nghiên cứu. Ba năm sau, phương án trùng tu Chùa Cầu được chấp nhận. Đến cuối tháng 12/2022 công trình được khởi công với vốn đầu tư 20 tỷ đồng.
Mặt cầu cong hay thẳng
Quá trình trùng tu, vấn đề mặt cầu cong hay thẳng gây ra cuộc tranh cãi căng thẳng. Chủ tịch TP Hội An cho biết từ dấu vết để lại, một số chuyên gia đưa ra những bức ảnh tư liệu cho thấy giai đoạn từ năm 1915 đến 1986 sàn Chùa Cầu thẳng, sau 1986 đến nay mới có hình dáng cong. Vì thế để đảm bảo tính nguyên gốc trong trùng tu, chuyên gia kiến nghị đưa mặt cầu về dáng thẳng.
“Tư liệu về phiên bản gốc Chùa Cầu không có. 7 lần trùng tu trước không để lại hồ sơ nào, chỉ có một số hình ảnh nhưng không xác định chính xác ở giai đoạn nào”, ông Sơn kể lại thế khó. Không có căn cứ xác đáng, chủ đầu tư dự án là UBND TP Hội An lại tổ chức các hội nghị tham vấn, lắng nghe ý kiến chuyên gia. Bên cạnh đó chính quyền tổ chức nghiên cứu thực địa, tìm gặp những người dân sinh sống lâu đời nắm rõ về quá trình trùng tu Chùa Cầu.
Khi nghiên cứu thực địa, đơn vị trùng tu phát hiện móng đá, khung dầm để lại dấu vết từ ban đầu mặt cầu cong. Khi người Pháp đến Hội An, họ đã tháo mặt cầu cong, thay thế bằng hai dầm sắt để mặt cầu thẳng, giúp ôtô qua lại dễ dàng. Đến lần trùng tu năm 1986, nhà chức trách đã làm lại mặt cầu cong.
Phương án mặt cầu cong vừa đúng với nguyên gốc vừa được đánh giá giảm ngập lụt, giảm đọng rác dưới gầm cầu. Như vậy phải mất hơn hai tháng, câu hỏi về hình dáng mặt cầu mới có đáp án.
Bài toán vật liệu xây cầu
Là công trình tín ngưỡng, điểm nghỉ ngơi vãn cảnh, Chùa Cầu được lợp mái ngói. Loại ngói này do thợ gốm Thanh Hà ở Hội An sản xuất. Họ chọn nguồn đất nguyên chất cho ra những viên gói bền, đẹp. Nhưng hiện nay nguồn đất bị biến động do cải tạo, xây dựng.
Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An sau đó phải đến nhiều tỉnh miền Trung tìm và thử nghiệm loại đất, cuối cùng chọn được nguồn đất ở Quảng Ngãi và Bình Định. Đất mang về chuyển giao cho thợ thủ công làng gốm Thanh Hà sản xuất. May mắn kết quả phân tích cho thấy viên ngói mới tương đồng ngói cũ.
Chùa Cầu trước đây được xây bằng vôi vữa với tính chất xây thì mềm, hoàn thành lại cứng chắc, không nứt gãy. Vữa được tổng hợp từ vôi, đường, mật mía, hạt bời lời, lưỡi long. Đến nay nhiều nguyên liệu này không còn ngoài tự nhiên.
“Để thay thế, đội thi công phải áp dụng công nghệ bằng việc kết hợp hóa chất, keo. Việc này khác với yếu tố gốc nên chúng tôi rất phân vân”, ông Sơn kể lại. Chủ đầu tư và nhà thầu thi công sau đó lại phải báo cáo, thử nghiệm, đánh giá cho tới khi khẳng định hóa chất đảm bảo cho công trình thì mới triển khai tiếp. Vì thế dự án đã chậm tiến độ 7 tháng so với kế hoạch.