Doanh Nghiệp Doanh Nhân
  • Trang Chủ
  • Doanh Nhân
    • Doanh Nhân Thế Giới
    • Doanh Nhân Việt
    • Góc Khuất Doanh Nhân
    • Khởi Nghiệp
  • Doanh Nghiệp
    • Bí Quyết Thành Công
    • Cơ Hội Hợp Tác
    • Doanh Nghiệp Tự Giới Thiệu
    • Kết Nối Doanh Nghiệp
  • Bản Tin
    • Bất Động Sản
    • Cộng Đồng
    • Giải Trí
    • Không Gian Sống
    • Tài Chính & Chứng Khoán
    • Tủ Sách
  • Luật Doanh Nghiệp
  • Thông Tin Doanh Nghiệp
No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Doanh Nhân
    • Doanh Nhân Thế Giới
    • Doanh Nhân Việt
    • Góc Khuất Doanh Nhân
    • Khởi Nghiệp
  • Doanh Nghiệp
    • Bí Quyết Thành Công
    • Cơ Hội Hợp Tác
    • Doanh Nghiệp Tự Giới Thiệu
    • Kết Nối Doanh Nghiệp
  • Bản Tin
    • Bất Động Sản
    • Cộng Đồng
    • Giải Trí
    • Không Gian Sống
    • Tài Chính & Chứng Khoán
    • Tủ Sách
  • Luật Doanh Nghiệp
  • Thông Tin Doanh Nghiệp
No Result
View All Result
Doanh Nghiệp Doanh Nhân
No Result
View All Result

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, hội tụ đủ 3 điểm: đẹp – hoang sơ – bình yên, vịnh Vân Phong được ví như một cô gái trẻ với vẻ đẹp dịu dàng, e ấp trên biển cả mênh mông. Những bãi cát trắng trải dài mênh mông, làn nước biển trong xanh cùng lòng đại dương rực rỡ sắc màu, vịnh Vân Phong đã hớp hồn biết bao du khách dừng chân.

  • Lý Sơn – Hòn đảo bí ẩn vùng nhiệt đới nơi xứ Quảng
  • [Địa điểm] Một thoáng SaPa thơ mộng trong mắt người miền Tây
  • Thưởng ngoạn Đà Lạt với không gian tinh túy, sang trọng rực rỡ ngày hè

Vùng đất “cơm trước mặt cá sau lưng”

Ðặt chân đến ga Nha Trang từ sáng tinh sương, thành phố biển đón chúng tôi bằng sự náo nhiệt, sôi nổi trong những ngày tháng 7 của các lễ hội của Festival biển. Chen chúc giữa dòng người đông đúc lẫn vô vàn tiếng xe, thứ tưởng chừng chỉ là “đặc sản” tại TP.HCM, chúng tôi may mắn bắt kịp chuyến xe buýt số 1 hướng về thị trấn Ðại Lãnh. Nói là may mắn, bởi từ lúc đến nhà chờ trên đường Trần Phú đã có hơn 3 chuyến “ngoảnh mặt” làm ngơ chúng tôi cùng nhiều hành khách khác, vì không cách gì để những chiếc buýt “cồng kềnh” lách ra khỏi dòng xe.

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Lộ trình đến thị trấn Vạn Giã mất khoảng 3 tiếng. Ðịnh bụng sẽ chợp mắt đôi chút để tiết kiệm sức lực cho lộ trình phía trước, tuy nhiên tôi như bị kéo dậy bởi những câu chuyện thú vị về vịnh Vân Phong, điểm đến của chúng tôi. “Tôi thấy cô chú ăn bận giống dân du lịch, mà sao lại đi đâu không ở thành phố chơi, ở đó đang vui quá trời mà” chú Vinh, người dân ở Vân Phong bắt chuyện với chúng tôi. Dáng vẻ hơi gầy, nước da ngăm đen, rắn rỏi, nhưng vẫn rất trẻ trung so với cái tuổi ngoài 60, chú Vinh nói: “Mùa này người đi Vân Phong không nhiều, người ta chơi ở Nha Trang không à. Nhưng người dân chúng tôi cũng muốn như vậy, chứ kéo đến ùn ùn thì Vân Phong không còn là nó nữa. Bởi cái chính của mảnh đất là sự yên ả, thanh bình như chính con nước ở đây vậy. Nói vậy, cô chú cũng đừng lo, người dân ở đây mến khách lắm, lo là lo khách nhiều, rồi người ta kéo đến làm kinh doanh, đủ thứ dịch vụ thì cá nó chạy hết, tụi tôi không còn gì để làm ăn”. Khi chúng tôi hỏi, ở đây không có cơ sở kinh doanh, du lịch cũng chưa phát triển, thì bà con sống bằng gì? Chú Vinh cười nói “Ở vịnh Vân Phong, xưa giờ chúng tôi hay nói, bước chân ra biển là gặp cá, quay mặt vô trong là có lúa, quanh năm biển êm gió lặng, thì dân đâu có sợ đói. Làm chỉ vừa để dư, lo cho con cái ăn học nên người.” Ðã một đời người gắn bó với mảnh đất có bề dày lịch sử trên 350 năm, chú Vinh miêu tả tường tận cho chúng tôi “Vân Phong này người xưa hay gọi là “con đường thiên lý” nằm giữa Tuy Hòa và Nha Trang. Phía Ðông nằm dọc theo bờ biển. Phía Tây mở rộng về hướng núi Ðá Ðen – Hòn Chảo – Hòn Ngang qua những cánh đồng trù phú. Tất cả tạo nên một vùng đất “lành” chào đón bất kỳ ai ghé chân”. Câu chuyện lôi cuốn của chú Vinh như làm thời gian trên chuyến xe buýt ngắn lại, cũng như thôi thúc chúng tôi khám phá vịnh Vân Phong.

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Yên ả Hòn Ông       

Chia tay chú Vinh tại bến xe buýt thị trấn Vạn Giã, chúng tôi tiếp tục bắt chuyến xe buýt tiếp theo để đến bến tàu Ðầm Môn. Giữa cái nóng khá gay gắt, nhưng lòng chúng tôi như dịu lại một phần nhờ những con gió nhẹ từ hướng biển, phần còn lại chính nhờ sự yên ả của làng quê nơi đây.

Ðiểm đến đầu tiên của chúng tôi trong chuyến đi là Hòn Ông. Thú thật, dù là mang tiếng đi du lịch “bụi”, chọn những nơi ít người đến, nhưng tâm lý muốn nghỉ dưỡng trước khi “khám phá” gần như là thói quen của chúng tôi cứ sau mỗi chặng đường di chuyển dài. Biết trước như vậy nên chúng tôi chọn Hòn Ông, nơi có resort gần như là duy nhất tại vịnh Vân Phong, có tên Ðảo Cá Voi.

Ðón chúng tôi tại bến tàu là chiếc “La Baleine” của resort. Sở dĩ có cái tên đậm chất “Tây” như vậy bởi Hòn Ông được một cặp vợ chồng người Pháp đã đầu tư xây dựng vì quá yêu nơi này. Ðể phát triển du lịch, nhưng kỳ thực, khu nghỉ dưỡng Ðảo Cá Voi chỉ sử dụng 2 hecta trong tổng số gần 40 ngàn hecta diện tích của đảo.

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Sau gần 30 phút lênh đênh trên biển, cơn buồn ngủ như được xua tan khi Hòn Ông hiện ra trước mắt. Tắt máy tàu, anh Dũng, thuyền trưởng thả chiếc tàu “La Baleine” trôi theo con nước để cập vào cầu phao. “Phải thả trôi như vậy để tránh ảnh hưởng đến dải san hô phía dưới, chứ để chết dù chỉ một con cá, hay một nhành san sô thì tụi tôi bị rầy dữ lắm. Ông bà chủ rất hiền, nhưng rất kỹ trong việc gìn giữ cảnh quan thiên nhiên, bởi ở đây như ngôi nhà thứ 2 của ổng bả.”, vừa chỉ vào làn nước xanh mát cùng những dải san hô, anh Dũng chia sẻ với chúng tôi về đảo Cá Voi.

Quả thật, dù đã tìm hiểu kỹ về thông tin của đảo, nhưng chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ bởi cảnh quang nơi đây. Biển ở Hòn Ông trong xanh và phẳng lặng. Bãi cát trắng tinh khôi cùng những hàng dừa che bóng tạo cảm giác êm ả cho những du khách mới đến. Phía xa xa, sau những tán cây xanh rợp là những ngôi nhà gỗ được xây dựng đơn sơ, chỉ cách biển vài bước chân, người ta đã tạo ra một thiên đường nghỉ dưỡng thực thụ ở Hòn Ông, sự kết hợp hài hòa giữa biển xanh, trời cao lộng gió, mây trắng bồng bềnh sẽ làm cho bất kỳ một du khách nào cũng phải quên đi những bộn bề lo toan để hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp.

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Ðiều càng làm chúng tôi thấy “lạc lõng” hơn khi hầu hết những vị khách lác đác trên đảo đều là người nước ngoài. Tuy nhiên, cũng như những vị khách kia, chúng tôi không mấy bận tâm đến những người xung quanh, bởi tất cả dành mọi sự ưu tiên để tạo sự bình yên cho nơi đây. Thời gian về tối, không gian xung quanh càng trở nên tĩnh mịch. Thi thoảng có tiếng chim ăn đêm hoặc tiếng côn trùng kêu rỉ rả, tiếng thuyền ngoài xa, hòa quyện cùng tiếng nhạc du dương tạo nên một bản hòa âm “độc đáo”, khiến du khách  như “trôi” vào một khoảng không gian của bình yên, tao nhã.

Mỹ miều Ðầm Môn, Sơn Ðừng

Sau một đêm tịnh dưỡng tại thiên đường Hòn Ông, bỏ lại hết những mệt mỏi, căng thẳng “mang theo” từ đất Sài Thành, chúng tôi lại tiếp tục đến với chặng dừng thứ 2 tại vịnh Vân Phong là bán đảo Ðầm Môn.

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Trên chuyến tàu chia tay đảo Cá Voi, chúng tôi có dịp bắt chuyện với chị Xuyến. Có nhà trong thôn Sơn Ðừng, trong bộ trang phục phục vụ tại resort, chị Xuyến hồ hởi bắt chuyện chúng tôi bằng những câu tiếng Pháp lưu loát “Bonjour Madame, monsieur, comment ça va?”. Thoáng thấy chúng tôi hơi ngạc nhiên, chị Xuyến cười, tiếp lời: “Em chọc chút xíu, tại anh chị là người Việt hiếm hoi mới đến đây chơi, chứ toàn khách Tây không à. Ở đây, mấy lời chào bằng tiếng Anh, Pháp tụi em nhân viên phải tự học để tạo ấn tượng tốt với du khách”. Sau khi biết chúng tôi đang có ý định sẽ dừng chân ở Ðầm Môn, làng chài Sơn Ðừng để thăm thú, chị Xuyến hồ hởi một cách hào sảng: “Vậy sẵn để em dẫn anh chị đi tham quan, hôm nay em được nghỉ, rồi trưa mời anh chị ghé nhà dùng cơm với ba má em”. Không để chúng tôi ái ngại, cô phục vụ trẻ, nhỏ người, có đôi mắt to tròn, vừa vuốt mái tóc dài óng ả phất phới trong làn gió biển, vừa nói: “Mấy anh chị đừng lo, dân ở Ðầm Môn hay Vân Phong không giàu có gì, nhưng thức ăn, hải sản không thiếu, quan trọng là lâu lắm rồi nhà em chưa đón tiếp ai ở vùng khác tới, mà anh chị lại ở Sài Gòn nữa. Em từ nhỏ đến giờ chỉ mới đến Sài Gòn một lần, mà cũng hơn chục năm rồi, nên có gì anh chị về chơi rồi kể chuyện cho em nghe với nha”.

Giới thiệu với chúng tôi, chị Xuyến cho biết, bà con ở Ðầm Môn chủ yếu sống bằng nghề chài lưới. Ðiểm cuốn hút du khách khi đến đây là vùng biển quanh năm êm ả, không có sóng gió lớn làm cho nước biển cực kỳ sạch sẽ, trong như mắt mèo. Cộng với việc chưa được khai thác, nên nơi đây vẫn giữ được những nét đặc trưng với những cánh rừng nguyên sinh, những bãi biển hoang dã trải dài.

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Hòn Sơn Ðừng là điểm đầu tiên mà chị Xuyến dẫn chúng tôi đến tham quan. Ðiều tạo chất riêng của điểm du lịch này là những tảng đá thiên nhiên mang dáng hình các con thú, những vách núi được cây cỏ bám vào và một xóm nhỏ với hơn chục hộ dân chài. Kể với chúng tôi, chị Xuyến cho biết do sống xa và tách biệt với đất liền, người ta đặt Sơn Ðừng là “làng Robinson”. Nơi đây khi xưa, có một nhóm người thuộc dân tộc Ðàng Hạ đi biển gặp bão, bị đắm tàu và đã trôi dạt vào bờ biển này sinh sống. Theo thời gian, một số con trai, con gái lớn lên đã quyết định rời bỏ bãi biển buồn tênh này vào đất liền lập nghiệp. Nhưng cũng có những người vì tình yêu mà chọn chốn này an cư lạc nghiệp… Người dân Sơn Ðừng làm rất nhiều nghề để sinh nhai như: nuôi tôm hùm lồng, đánh bắt mực, cá, lên rừng đốn củi và nghề trồng điều, trồng cây ăn trái. Nói đến đây, mắt chị Xuyến nhìn xa xăm “Ở đây dân hầu hết đều còn nghèo, nhưng không ai lo lắng vì cá tôm có quanh năm. Nghe nói sau này, người ta làm khu kinh tế Vân Phong thì đời sống người dân sẽ đi lên, nhưng rồi thiên nhiên sẽ như thế nào đây….”. Quả thật, thiên nhiên chính là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho Ðầm Môn và Sơn Ðừng. Thời gian trên tàu, du khách thỏa sức ngắm vịnh Vân Phong đẹp với cảnh thanh bình của những làng chài nép mình dưới rừng dừa xanh ở chân núi, những cồn cát trắng mênh mông và những dãy núi chập chùng xa xa…

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Dưới ánh nắng, nhìn từ xa Sơn Ðừng đẹp tựa tranh vẽ. Cách bờ chừng 100m, tàu không cặp bến được vì bờ biển lài ra khá xa, phải dùng thuyền nhỏ vào bờ. Ở Sơn Ðừng không có đường sá và tất nhiên không có cả xe máy, xe đạp. Con đường chính của Sơn Ðừng đi men theo mép biển nên khi nước lên thì đường mất. Giữa các nhà dân qua lại với nhau, người ta rải san hô thành những lối đi nhỏ trên cát. Hầu như ai tới Sơn Ðừng cũng tò mò tìm hiểu về nguồn nước ngọt dồi dào ở ngay trên bãi cát sát mép nước biển. Ý thức được nguồn tài nguyên du lịch thiên phú của mình, cho nên người dân Sơn Ðừng bảo vệ triệt để bãi biển trước mặt làng. Tương truyền, khi vua Gia Long thua quân Tây Sơn tới đây, đã đào thử một hồ nước ngay bãi cát trên mép nước biển. Ðiều kỳ diệu đã xảy ra: họ tìm được nước ngọt và đến nay, giúp người dân Sơn Ðừng có nước uống và có sản phẩm giới thiệu với khách du lịch. Từ giai thoại đó, người dân Sơn Ðừng lập hẳn một đền thờ nhỏ để thờ vua Gia Long.

Thay lời kết

Trong mâm cơm trưa thiết đãi chúng tôi, không thiếu nào là cá, tôm. Nhưng điều làm bữa cơm thêm ngon chính là sự mến khách mà gia đình chị Xuyến dành tặng. Từ chối khéo khoản tiền mà chúng tôi cố dúi vào tay, chị Xuyến nói: “Ở đây, tiền bạc không phải quý giá nhất, quan trọng là tình người với nhau. Anh chị lại là khách quý từ phương xa đến chỉ mong sao khi về, anh chị nhớ đến em và nơi đây là vui lắm rồi”.

Vịnh Vân Phong – nét đẹp hoang sơ và độc đáo giữa thiên nhiên

Quả thực, nhìn xóm chài nhỏ, êm ấm bên những tán cây rừng xanh mát, Sơn Ðừng nói riêng hay vịnh Vân Phong như một bức tranh hoàn hảo về thiên nhiên khó phai mờ với chúng tôi hay bất kỳ du khách nào đến đây. Ở Vân Phong này, ngoài Sơn Ðừng, Ðầm Môn, Hòn Ông, vẫn còn rất nhiều điều thú vị khác chờ đợi chúng tôi khám phá. Nhưng có lẽ chúng tôi ấn tượng nhất ở lần trải nghiệm đầu tiên này chính là chất thi vị của thiên nhiên, sự cởi mở, gần gũi của con người nơi đây.

Trong ý nghĩa ban đầu, tôi muốn dành từ hào sảng, cái từ rất riêng nói về cái đất Sài Gòn, để ví von về con người và thiên nhiên của Vân Phong. Ðến đây rồi tôi mới nhận ra rằng, khoan thai mới là từ gần chính xác nhất để dành cho vùng đất Vân Phong này. Bởi ở đây có một chút bình yên, một chút thong dong, tự tại, nhưng lại nhẹ nhàng, trầm lắng – điều tạo nên nét riêng để giữ chân lòng người.

Thông tin tham khảo:

Phương tiện đến Vạn Giã

  • Bạn có thể mua vé ở bến xe miền Ðông, đặt thẳng ra Vạn Giã. Giá vé tầm: 220.000 – 360.000VNÐ/1 người.
  • Có thể đi tàu hỏa đi thẳng ra Vạn Giã. Giá vé từ 400.000 – 600.000VNÐ/chuyến. Lưu ý: bạn phải đặt trước 1-2 tháng, nếu không sẽ không có vé.
  • Nếu bạn có điều kiện hơn thì có thể đi máy bay ra đến Cam Ranh, rồi bắt taxi ra Vạn Giã. Lưu ý: Cách này thì tốn kém chi phí hơn những kiểu di chuyển trên.
  •  Có thể chọn cách đi xe khách từ Sài Gòn ra Nha Trang, giá vé là 200.000 – 210.000VNÐ/ người. Sau khi ra tới Nha Trang, bạn tiếp tục bắt 2 tuyến xe buýt để đến được Vạn Giã.
  • Khách sạn ở Vạn Giã: (Tham khảo) Khách sạn Gia Huy: sạch sẽ và tiện nghi. Giá khách sạn tầm 300.000 – 450.000/đêm (phòng 2-4 người).
  • Ăn uống tại Vạn Giã: Gần khách sạn là làng chài nên bạn có thể mua hải sản tươi tự nướng ăn. Hoặc có thể hỏi dân bản địa để thưởng thức các món Ốc Hấp, Tẩm, Luộc theo vị miền Trung với giá rẻ bất ngờ. Ngoài ra, bạn có thể ghé chợ buổi sáng để tìm hiểu về chợ ở Vạn Giã và thưởng thức những món ăn quen thuộc của người dân nơi đây.
  • Di chuyển ra vịnh Vân Phong: Bạn có thể hỏi người dân để đặt thuyền ra vịnh kèm theo việc dẫn bạn đi tham quan một số đảo xung quanh rất đẹp và hoang sơ.
  • Nếu bạn đặt resort trên đảo thì họ sẽ xắp xếp tàu cho bạn qua đảo miễn phí.

Nếu bạn muốn ở lại vịnh Vân Phong:

  • Whale Island Resort: Giá phòng tầm 1 triệu/đêm (bao gồm ăn sáng) cho 2 người, phòng family giá tầm 1,4 triệu.
  • Ăn uống tại đảo: Không có bất kỳ dịch vụ nào của bên thứ 2 nào khác cung cấp ở trên đảo, bởi vậy chỉ có khu resort là độc quyền. Ngoài bữa sáng miễn phí theo khi đặt phòng thì nếu buộc phải ăn ở nhà hàng của resort. Tuy nhiên bạn cũng có thể mua thêm đồ ăn để chuẩn bị trước cho chuyến đi. Ở đây, các bạn phải ăn theo set menu. Một set menu cho bữa tối khoảng 14 đô la/người. Gợi ý: Mình chỉ ăn tại resort 1 ngày, ngày thứ 2 thì đăng ký resort tàu để ra lại Vạn Giã để ăn cho đỡ tốn chi phí.
  • Thức uống ở quầy bar ven biển Hòn Ông thì ngược lại, giá cả rất hợp lý. Giá ở quầy bar: nước có giá tầm từ 20-30k, cocktail thì giá là 80k/ly.

Doanh Nghiệp Doanh Nhân 

Theo Ấn Phẩm Young Style 

 

Tags: biểnđảohoang sơVịnh Vân Phong

Discussion about this post

Công ty TNHH Young Media – MST: 0311505229

Địa chỉ: 121 Bà Huyện Thanh Quan, Phường 9, Quận 3, TpHCM

Sđt: 028.73.001.036 – 0909.001.361 – Email: info@youngstyle.vn

Giấy phép số 30/GP-STTTT do Sở Thông tin –

Truyền thông cấp ngày 20/07/2017

Chịu trách nhiệm thông tin: Nguyễn Đăng Hải Yến

No Result
View All Result
  • Blog
  • Contact
  • Home
  • Home 2
  • Home 3
  • Home1
  • TC
  • Trang Chủ