Ngày Tết đối với người phương Ðông nói chung và người Việt Nam nói riêng mang một ý nghĩa rất quan trọng. Ðây không chỉ là dịp con cháu, gia đình hội tụ, đoàn viên mà còn là dịp để tưởng nhớ đến người đã khuất, đến tổ tiên… Nó thể hiện một dấu ấn đặc sắc trong văn hóa tâm linh của người Việt bao đời khi Tết đến Xuân về.
- Tết đến, mọi người đổ xô đến ngân hàng tìm tiền mới
- Uống nước nhớ nguồn – truyền thống ý nghĩa của người Việt dịp Tết
- Công ty Hải Dương tặng “siêu phẩm” quà tặng Tết cho nhân viên
Dù ai đi đâu, ở đâu, làm gì ở xa quê thế nào thì những ngày Tết cũng trở về với gia đình, thực hiện những nghi thức thiêng liêng theo tục lệ, làm tròn bổn phận của mình với Trời, Ðất, với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ con và người thân một cách tự nguyện, đầy mẫn cảm. Vào ngày Tết, dù thường ngày anh có ở vị trí nào đi chăng nữa trong xã hội thì khi trở về gia đình, về với những nề nếp, tập quán quê hương sẽ hòa chung dòng tộc bởi một sợi dây liên kết vô hình đầy tính nhân văn. Cụ thể qua các cách thờ cúng vào dịp Tết, từ cúng ông Táo đến cúng ông bà đêm 30. Mỗi nghi thức cúng bái đó chính là một nét văn hóa tâm linh không thể thiếu và khó thể nào xóa bỏ của người Việt. Nó như khắc sâu vào trong tiềm thức của mỗi người, khơi dậy trong họ tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, hướng đến đời sống đẹp chân – thiện – mỹ.
Thờ cúng tổ tiên – Nét đẹp văn hóa tâm linh
Ở hầu hết các vùng miền trong nước, tín ngưỡng dân gian truyền thống là tín ngưỡng “thờ cúng tổ tiên”. Tín ngưỡng này đã có từ xa xưa trong lịch sử gắn với truyền thuyết bánh chưng, bánh dày từ thời Hùng Vương. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tín ngưỡng đã được nâng lên thành Quốc lễ: Giỗ Tổ Hùng Vương, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại…
Với người Việt, bàn thờ gia tiên là nơi trang trọng nhất, thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình, dòng họ. Cho nên, nhiều nhà người ta xây dựng riêng biệt thành một nhà, gọi là nhà từ đường – nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên chung của một họ. Còn nếu không có điều kiện thì người ta cũng có một gian riêng bày trí bàn thờ hương khói trang nghiêm để thờ các vị tổ tiên dòng tộc. Ðến ngày lễ Tết, ngày mồng một/ngày rằm hay ngày giỗ, người ta thường chuẩn bị trái cây, trà bánh, mâm cơm dâng cúng ông bà tổ tiên với tấm lòng thành kính, nhớ thương. Ðến ngày 30 tháng Chạp Tết, ngoài việc chuẩn bị mâm cơm trang trọng để đón rước ông bà về vui Tết năm mới cùng con cháu (gọi là Tất niên) thì giờ phút đêm giao thừa (Tân niên) là giây phút gặp gỡ thiêng liêng nhất với các vị thần trong nhà, với các bậc tổ tiên, ông bà, người thân đã khuất và cũng là cuộc gặp gỡ giữa con người và Trời – Ðất trong khoảnh khắc vũ trụ chuyển vần. Ðúng giao thừa, trên bàn thờ gia tiên đã tươm tất hương khói, bánh trái… và người trong nhà sẽ thực hiện việc cúng bái, thờ lạy tổ tiên. Cuộc gặp gỡ vô hình này tạo nên một giá trị tâm linh mà thiếu nó, con người xem như không có cội có nguồn. Khi tiễn đưa năm cũ, đón năm mới về, họ cầu mong ông bà ban phước lành và hy vọng một năm làm ăn yên ổn, mưa thuận gió hòa. Bởi vậy, người xưa quan niệm đêm giao thừa không ai được ngủ, mà phải thức đến khi cúng kiếng xong để chứng kiến cuộc giao thoa, chuyển đổi của trời – đất. Ðiều mà ông bà ta thường nói vui với trẻ con rằng nếu ngủ thì tuổi sẽ không nhập vào. Sau phút giao thừa là tục hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi, mừng thọ… Có thể nói, thời khắc giao thừa là cuộc gặp gỡ ấm áp nhất của những người thân trong gia đình, dù hiện tại hay quá vãng.
Tục đưa/rước ông Táo – Dấu ấn không phai
Ngoài tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên thì người Việt còn có tín ngưỡng đưa (ngày 23 tháng Chạp)và rước ông Táo (ngày 30 tháng Chạp) – vị thần cai quản bếp núc – nơi được xem khá quan trọng trong đời sống người dân Việt. Chái bếp là nơi luôn đỏ lửa, tạo không khí gia đình luôn ấm áp và thuận hòa. Ông Táo vừa là thần bếp trong nhà vừa là người ghi chép lại tất cả những việc làm tốt xấu của gia chủ trong năm. Ðến ngày 23 thì Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng tất cả những chuyện tốt xấu này. Việc làm này ở một khía cạnh nào đó giúp con người sống tốt hơn, tự ý thức lại những việc làm chưa đúng đắn trong năm cũ. Bắt đầu từ sau lễ cúng Táo quân là Tết Nguyên đán đã rất cận kề, người ta bắt đầu nô nức chuẩn bị cho Tết. Ðến chiều 30 thì nhà nhà lại làm mâm cỗ rước ông Táo về vui Tết cùng gia đình. Ðể thấy rằng, vào dịp Tết các vị thần trong gia đình đến người thân đều tề tựu về nhà.
Với người dân Việt, tục đưa ông Táo như một lời nhắc nhở: đã bắt đầu những ngày Tết rồi đây. Và ngày rước ông Táo về là ngày chuẩn bị bước sang năm mới, mọi thứ phải cần chỉn chu, trang hoàng sạch sẽ. Ðặc biệt, đối với trẻ con ngày xưa thì ngày đưa/rước ông Táo đều khiến chúng nôn nao vì được ăn món kẹo thèo lèo, bánh in… – những loại bánh mà hiện nay đã trở thành quá vãng bởi nhịp sống hiện đại với vô số loại thực phẩm ngon, lạ.
Nói về văn hóa tâm linh của người Việt thì còn rất nhiều, bởi từ thuở hồng hoang, niềm tin vào các vị thần là một trong những điểm tựa tinh thần giúp người dân vượt lên mọi khó khăn trong cuộc sống, trước các hiện tượng thiên nhiên mà con người chưa thể giải thích. Cho đến hôm nay, dù khoa học kỹ thuật đã phát triển nhưng đó là vốn quý trong đời sống tinh thần mỗi người, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Giảng viên Nguyễn Châu Anh (bộ môn Văn hóa học, Trường ÐH Hoa Sen) cho biết: Nói về văn hóa tâm linh của người Việt còn rất nhiều ngoài thờ cúng tổ tiên và tục đưa – rước ông Táo, chẳng hạn đi chùa đầu năm, hái lộc, xin xăm… Mỗi phong tục ẩn chứa trong đó tinh thần nhân văn của những người dân Việt. Trong xã hội ngày nay, dẫu có phong tục đã bị mai một, dẫu có phong tục đã biến thể cho phù hợp với thời đại nhưng vẫn được nhắc nhớ đến cho các thế hệ con cháu sau này. Bởi lẽ ông bà ta quan niệm “có xưa mới có nay”, có cũ mới có mới, nhờ đó mà đã xây dựng nên một bề dày truyền thống văn hóa hơn 4000 năm. Vì vậy, dẫu có lạc hậu, có chủ quan duy ý chí đi chăng nữa thì tất cả vẫn là nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt.
Doanh Nghiệp Doanh Nhân
Discussion about this post